Chặng du lịch Hà Nội – Đà Nẵng – HCM – Kiên Giang
Chặng du lịch Hà Nội – Đà Nẵng – HCM – Kiên Giang
Hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2016 – Phú Quốc – Đồng bằng sông Cửu Long, Sở Du lịch Hà Nội vừa tổ chức chuyến khảo sát tại Phú Quốc, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Chuyến công tác nhằm tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch của Thủ đô và các tỉnh, thành phố gặp gỡ, trao đổi thông tin, khảo sát điểm đến, xây dựng và kết nối tuyến du lịch giữa Hà Nội với các địa phương khác.
Hà Nội, điểm kết nối quan trọng
Là mảnh đất nghìn năm văn hiến với trên 5.000 di tích lịch sử, 1.350 làng nghề truyền thống, Hà Nội có nhiều thế mạnh về du lịch văn hóa, di sản, ẩm thực… Năm 2014, lượng khách quốc tế đến Hà Nội đạt 3 triệu lượt, khách nội địa đạt 15,4 triệu lượt. 9 tháng đầu năm 2015, lượng khách quốc tế đạt 2,3 triệu lượt, tăng 13%; khách nội địa đạt 15 triệu lượt, tăng 10%, đưa tổng thu từ khách du lịch ước đạt 39.600 tỷ đồng. Hà Nội cũng có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tốt với đường bay thẳng tới hơn 40 quốc gia trên thế giới và đường bay nội địa đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong khi đó, Kiên Giang sở hữu nhiều tài nguyên du lịch lớn như: Rừng U Minh Thượng, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang… Riêng đảo Phú Quốc đã được quy hoạch thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế. Thời gian qua, du lịch Hà Nội và Kiên Giang đã có sự liên kết nhưng chưa chặt chẽ. Điều này thể hiện qua lượng du khách từ Hà Nội đến Kiên Giang còn khá khiêm tốn. Chính vì vậy, sau chuyến khảo sát này, Hà Nội sẽ giúp Kiên Giang xác định lợi thế của mình, từ đó xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh để giới thiệu với không chỉ người dân Hà Nội mà cả với du khách trong và ngoài nước tới Thủ đô, từ đó kéo du khách đến với Kiên Giang. Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ Kiên Giang tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến tại Hội chợ Du lịch VITM Hà Nội, Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống, đặc biệt là sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Kiên Giang tham gia bất kỳ hội chợ quốc tế nào mà Hà Nội tham gia.
TP Hồ Chí Minh là thị trường khá tương đồng với Hà Nội và đây cũng là điểm trung chuyển khách lớn, du khách đi Hà Nội cũng có thể vào TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Chính vì vậy, mong muốn của lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là các doanh nghiệp du lịch của hai thành phố phối hợp tốt với nhau để khai thác thị trường trong nước và quốc tế. “Tôi mong muốn doanh nghiệp du lịch hai địa phương hợp tác chặt chẽ để xây dựng những sản phẩm đặc biệt hấp dẫn, ấn tượng và đẳng cấp để phục vụ du khách tốt hơn so với khi chưa có Sở Du lịch”, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.
Với lợi thế nhờ ở vị trí trung tâm của 4 di sản văn hóa thế giới (Hội An, Mỹ Sơn, Huế, Phong Nha) và sở hữu các thắng cảnh nổi tiếng như Bà Nà, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn…, gần đây, TP Đà Nẵng đã đạt được nhiều giải thưởng du lịch giá trị như: Nhóm 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu Châu Á, danh sách 10 điểm đến mới nổi năm 2015… Tuy nhiên, nhân lực du lịch đang là điểm yếu của Đà Nẵng, do đó, trước mắt Hà Nội sẽ hỗ trợ Đà Nẵng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm tạo lợi thế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt về lao động khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức được thành lập vào cuối năm nay.
Cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp
Từ trước tới nay, các doanh nghiệp du lịch của Hà Nội, Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã có sự hợp tác tương đối tốt. Các đơn vị thường xuyên gửi khách đến với nhau. Tuy nhiên, chuyến khảo sát này mang ý nghĩa lớn bởi nó thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp các tỉnh, thành phố.
Bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Phó Giám đốc Lữ hành ITC chia sẻ, sau khi khảo sát 3 tỉnh, thành phố, ITC quan tâm đến sản phẩm du lịch kênh rạch của TP Hồ Chí Minh. “Sản phẩm này hiện do Công ty Du lịch Tân Hồng khai thác độc quyền và chưa mở rộng cho các đại lý. Thời gian sớm nhất, chúng tôi sẽ làm việc với công ty trên để có thể giới thiệu sản phẩm với khách du lịch Hà Nội. Tour này vừa mới thử nghiệm được 2 tháng và chưa được đánh giá cao, nhưng theo tôi, chỉ cần cải thiện một số yếu tố như sửa sang lại cảnh quan hai bên bờ sông, thu ngắn thời gian của tour, xây dựng nhà vệ sinh cho du khách thì chắc chắn trong tương lai, nó sẽ rất hấp dẫn”, bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ nói.
Còn ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Lữ hành Golden Tour cho biết, sau chuyến khảo sát này, Golden Tour sẽ chào bán sản phẩm du lịch trực thăng dành cho khách hạng sang ở Đà Nẵng, đồng thời giới thiệu những đoàn khách đến với khu nghỉ dưỡng cao cấp Inter Continental Danang Sun Peninsula, một điểm nhấn của TP Đà Nẵng.
Bà Lâm Thị Diễm Trâm, Giám đốc Công ty Lữ hành Đảo Ngọc Tourist chia sẻ, thời gian tới, các công ty lữ hành ở Phú Quốc sẽ thiết kế một sản phẩm du lịch thật đặc sắc của riêng Phú Quốc, sau đó nhờ các đối tác tại Hà Nội – cụ thể là Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội – làm cầu nối để giới thiệu sản phẩm này một cách rộng rãi tới du khách Thủ đô. “Nhân lực du lịch ở Phú Quốc còn thiếu và yếu, năng lực marketing còn rất hạn chế, do đó, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp Hà Nội thông tin về đặc điểm của thị trường để chúng tôi có thể xây dựng những sản phẩm phù hợp, đáp ứng yêu cầu của du khách Thủ đô”, bà Lâm Thị Diễm Trâm nhấn mạnh.
Mua vé máy bay Đà Nẵng Hà Nội, TP.HCM Hà Nội, Kiên Giang Hà Nội các bạn vui lòng gọi 0919.302.302 để được hỗ trợ tốt nhất nhé!
Theo: Bùi Tấn Thuận – Nguồn: Sưu tầm