Nhớ Tết Hà Nội xưa
Nhớ Tết Hà Nội xưa
Đã có thời đường phố Hà Nội râm ran tiếng pháo vào đêm giao thừa và sáng hôm sau, những đứa trẻ như tôi lại có dịp nghịch ngợm xác pháo bên thềm và chun mũi hít hà cái mùi khen khét ấy.
Sinh ra vào cuối những năm 1980, tôi may mắn có cơ hội được trải nghiệm Tết Hà Nội qua nhiều thời kỳ với những sự thay đổi, phát triển rõ rệt. Với tôi, mùa xuân của những năm 1990 là ký ức không bao giờ có thể phai nhòa. Đó là một thời kỳ mà nhiều người cho rằng lúc đó, dịp Tết thực sự mang ý nghĩa trọn vẹn của nó với những hình ảnh, mùi vị khó quên để khi nghĩ tới, ai từng được sống qua giai đoạn ấy cũng đều cảm thấy nao lòng.
Tết ngày xưa tưng bừng tiếng pháo
Nhắc tới Tết ngày xưa, hẳn ai cũng nghĩ ngay tới từ khóa là “Pháo”. Pháo ngày xưa không phải là pháo hoa rực rỡ bắn vào đêm giao thừa như bây giờ mà là pháo dây với tiếng nổ “đùng”, “đoàng” rất vui tai mà nhiều người vẫn ví von là “nổ to như pháo rang”. Tôi vẫn nhớ ngày ấy khi còn bé, bình thường phải đi ngủ sớm lắm, từ trước 10h nhưng duy nhất vào đêm giao thừa là được thức khuya tới sau 12h. Vào thời khắc chuyển giao, nhà nhà lại châm pháo và tạo nên những tiếng nổ rộn ràng, khói mịt mù len lỏi khắp mọi nẻo đường. Khi đó, tôi còn khá nhỏ và mỗi lần pháo nổ là lại bịt tai vào và chỉ thích ngửi mùi pháo, nghịch xác pháo màu hồng hồng tím tím bên thềm nhà.
Tôi vẫn nhớ cứ gần đến Tết là háo hức lắm vì bố mẹ mua bao nhiêu thứ mới về nhà, từ đồ chơi, đồ ăn tới quần áo mới nhưng bao giờ mẹ cũng giấu đi trước và nói rằng: “Để đến Tết”. Khi ấy, đường Hà Nội đến những ngày giáp Tết là vắng lạ thường và êm ả. Bố đèo tôi trên con xe Honda Astrea cũ kỹ tới chợ hoa Hàng Lược để mua đào với quất. Tới hàng nào bố cũng mặc cả: “7 ngàn đắt quá! Cành này chỉ 5 ngàn thôi”. Thành quả bao giờ cũng là một cây quất và một cành đào đẹp mỹ mãn. Lúc về nhà, bố tự tay trồng quất, tỉa đào trong giai điệu của những bản nhạc xuân phát ra từ chiếc đài casette.
Trong ký ức của tôi, dịp Tết khi đó không hề có bài Ngày Tết quê em nên câu hát “Tết Tết Tết Tết đến rồi” khiến tôi nghĩ tới mùa xuân của thập niên 2000 chứ không phải là của những năm 1990. Ngày ấy, ngoài giai điệu Happy New Year kinh điển của nhóm ABBA, tôi nhớ đến những bài hát xuân của hải ngoại như Mộng chiều xuân, Xuân họp mặt hay Cánh thiệp đầu xuân. Sau đêm giao thừa hay sáng mùng Một Tết, bố lại mở băng casette những giai điệu này.
Những đứa bé hồi ấy nghe Happy New Year thì chẳng hiểu gì nhưng vẫn thấy bài hát này ấm áp đến lạ thường. Cứ như vậy, nhạc phẩm của nhóm ABBA dù ý nghĩa thực sự là mang không khí ảm đạm, buồn bã của ngày đầu năm mới nhưng với người dân Việt Nam, nhạc phẩm này vẫn ăn sâu vào tiềm thức từ năm này qua năm khác và trở thành giai điệu bất tử mỗi dịp xuân về.
Buổi sáng mùng Một Tết là thời điểm mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng cảm thấy háo hức khi ngủ dậy được nhận tiền lì xì của bố mẹ, họ hàng. Những món ăn như bánh chưng, nem rán, hành muối chỉ đến Tết mới xuất hiện trong bữa ăn của mọi nhà. Sau bữa cơm đầu năm bên gia đình, tôi đều hồi hộp chờ xem người họ hàng nào sẽ “xông đất” nhà mình trong năm mới.
Sau đó là công cuộc nhận tiền mừng tuổi, khi thì 100, 200, 500 đồng. Thời ấy, người nào làm ăn phát đạt, khấm khá lắm mới lì xì tiền “nghìn” như 2000, 5000 đồng. Trẻ con thời ấy vào sáng mùng Một gần như đứa nào cũng thích có nhiều tờ tiền khác nhau với đủ màu sắc và đem ra ngồi chơi cùng nhau trong khi người lớn khăn áo to sụp ngồi bàn chuyện “ngày xưa”.
Tôi nhớ ngày đó, bố mẹ bắt phải mặc quần áo ấm, đội mũ nồi đỏ (loại mũ mà không phải đứa trẻ nào cũng thích đội) rồi mới cho đi chơi Tết. Cả gia đình bốn người ngồi trên chiếc xe Honda Atech đi du xuân. Một mình ngồi lọt thỏm ở ghế đằng trước, tôi giữ mãi hình ảnh của một Hà Nội vắng lặng, xác pháo nhuộm hồng các con phố, mùi khen khét của pháo xen lẫn vào từng cơn gió “cắt da cắt thịt”.
Mua vé máy bay đi Hà Nội đón Tết tại “Hà Thành”
Tới mùng 4, mùng 5 Tết, bố mẹ thường đưa anh em tôi đi chơi Cầu Thê Húc, công viên Thủ Lệ để chụp ảnh. Thời ấy máy ảnh là máy phim và mỗi cuộn phim chỉ chụp được 36 kiểu nên nhà nào có máy ảnh cũng đều rất tiết kiệm, chỉ vào những dịp đặc biệt mới lôi ra dùng. Chính vì thế, trong ký ức của tôi về những mùa xuân thập niên 1990 còn là câu nói: “Tết đến để được chụp ảnh”.
Thường thì mùng 5 Tết, quất và đào bắt đầu rụng dần. Những quả quất chín được mẹ tôi cất trong tủ lạnh, thi thoảng lại pha nước quất, cho thêm tí đường, tí muối và vài viên đá vào là có một ly nước ngon tuyệt vời. Ở cái thời hồn nhiên, thơ bé đó, tôi vẫn thích quất hơn thích đào chỉ vì lý do “đào thì chỉ để ngắm, ra Tết là tàn rồi còn quất thì ngắm xong vẫn còn có tác dụng là pha nước uống”.
Số tiền mừng tuổi hàng năm tôi giấu trong một chiếc cốc nhựa, để dưới gầm bàn học, cạnh công tơ điện – nơi mà tôi nghĩ sẽ chẳng có ai mò vào kiểm tra. Có năm tôi được tổng là 500.000 nghìn đồng, có năm nào “hoành tráng” lắm thì được 750.000 đồng. Nhưng tất cả đều bị mẹ “tịch thu”, chỉ được giữ lại 50.000 tiêu vặt, xong tăng dần lên theo từng năm – 100.000, 150.000, 200.000 đồng. Ở cái thời mà bát phở bò có giá 5.000 đồng thì mỗi đứa trẻ cầm trong tay 100.000 đồng thì phải hai tháng mới tiêu hết được.
Tết ngày nay và phút giao thừa “lặng lẽ”
Pháo dây bị cấm từ năm 1995 nên gần 20 năm qua, giao thừa trở nên “lặng lẽ” hơn – đúng như tên bài hát “phút giao thừa lặng lẽ”. Thay vào đó là pháo hoa bắn tại một số điểm nhất định trong thành phố. Xã hội ngày một phát triển hơn, cuộc sống ngày một nâng cao hơn và dường như con người cũng trở nên “công nghiệp” hơn rất nhiều. Trước dịp Tết, ai nấy đều bận rộn xử lý nốt những công việc trong năm cũ và quay ra than thở với nhau: “Năm nay chẳng thấy không khí Tết gì nhỉ?”.
Đào – quất ngày nay mang ý nghĩa tượng trưng nhiều hơn và cũng thể hiện cho sự “chịu chơi” của mỗi gia đình, doanh nghiệp. Năm nào cũng có những cây đào giá “kỷ lục” lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Khái niệm “ăn tất niên” nay cũng được hiện đại hóa hơn xưa rất nhiều – tất niên công sở, tất niên gia đình, tất niên bạn bè, tất niên nhóm… Càng những ngày cuối năm thì đường càng đông, càng ùn tắc giao thông.
Dường như cái cảm giác đường phố Hà Nội giống như ngày xưa chỉ xuất hiện vào hai thời điểm: trưa – chiều ngày 30 Tết và sáng sớm những ngày mùng Một, mùng Hai. Đời sống của người Hà Nội càng lúc càng cao và có điều kiện hơn xưa, Tết đến là có rất nhiều gia đình đi ô tô đi chúc Tết nên kể cả mùng Một thì vẫn có tình trạng ách tắc giao thông. Xe buýt, ô tô, xe máy bấm còi inh ỏi, chen qua chen lại không khác gì ngày thường.
Tối 30 Tết trong bữa cơm tất niên, đài truyền hình còn có chương trình Táo quân – Gặp nhau cuối năm với những câu chuyện trào phúng về các sự kiện xã hội – đời sống xảy ra trong một năm qua. Ngày xưa thì đâu có những chương trình như vậy?
Nay khi đã trưởng thành và đi làm, trước ngày giao thừa là tôi lại lò dò xin mẹ: “Mẹ đổi cho con tiền mới Tết còn đi mừng tuổi”. Cái cảm giác được nhận lì xì ngày xưa cũng vui sướng nhưng cảm giác được lì xì các em, các cháu cũng thú vị chẳng kém. Thấy ánh mắt háo hức, sự vui vẻ của những đứa trẻ khi nhận lì xì lại khiến tôi nhớ lại ngày xưa có thời mình cũng như vậy.
Đường phố Hà Nội ngày nay trang hoàng rực rỡ từ trước Tết hai tuần. Nhiều bạn trẻ dạo chơi phố phường có thể chụp ảnh “tự sướng” bằng điện thoại và đăng tải lên Facebook. Ở thời điểm công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay thì nơi bạn có thể thấy được không khí Tết rộn ràng nhất chính là mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Khi nhìn hình ảnh các thiếu nữ tạo dáng bên vườn đào hay những đôi bạn trẻ ấm áp bên những sắc màu rực rỡ của đường phố thì hẳn lúc đó Tết đã về thực sự.
Đồng hồ sinh học của người Hà Nội giờ đây cũng khác xưa rất nhiều. Từ trẻ em tới người lớn nếu muốn thì ngày nào cũng có thể “đón giao thừa” qua 12h chứ không phải chỉ có mỗi dịp Tết như ngày trước.
Dịp Tết cũng là lúc đi tới nhà bạn bè cũ chúc Tết. Có những người có khi cả năm mới gặp nhau được một lần vào đúng dịp Tết. Đi đến nhà nào cũng ngồi hàn huyên ngày xưa thế này, ngày xưa thế kia – những câu chuyện một khi đã kể ra thì không bao giờ hết được. Lúc đó tôi lại thấy mình trẻ lại như thời xa xưa, khi còn là một đứa trẻ sống trong không khí Tết của thập niên 1990.
Từng có ý kiến cho rằng nên bỏ nghỉ Tết Nguyên đán và gộp vào kỳ nghỉ với Tết Tây nhưng bản thân tôi thì không hề muốn điều đó xảy ra. Dù Tết hiện đại và Tết ngày xưa đã có quá nhiều sự khác biệt nhưng vẫn được kết nối bằng những khoảnh khắc sum vầy của gia đình, họ hàng và bạn bè. Trong một xã hội công nghiệp và đầy bận rộn, chỉ tới dịp Tết truyền thống, con người mới có thời gian ngồi bên nhau để nghĩ về quá khứ, hàn huyên chuyện cũ, nhận ra từng bước thay đổi của thời đại và cảm thấy trân trọng thực tại hơn.
Theo: Bùi Tấn Thuận – Nguồn: Nguyên Minh – VNExpress